Cam kết không làm việc cho công ty đối thủ liệu có đúng luật?

Nhằm bảo vệ bí mật kinh doanh,… nhiều công ty đã đưa ra thỏa thuận buộc nhân viên cam kết không làm việc cho đối thủ. Điều này liệu có đúng luật?

Cam kết không làm việc cho công ty đối thủ được hiểu như thế nào?

Đây là việc người lao động và người sử dụng lao động cam kết với nhau trong thời gian làm việc, hoặc sau khi nghỉ việc trong một khoảng thời gian không được làm việc cho công ty kinh doanh cùng lĩnh vực. Cam kết không làm việc cho công ty đối thủ nhằm đảm bảo lợi ích; bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động không bị tiết lộ; không bị áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật của mình tại công ty khác.

Trên thực tế, cam kết này đã được công nhận nhằm đảm bảo bí mật kinh doanh; bí mật khoa học công nghệ; thông tin khác của người sử dụng lao động.

Hình ảnh minh họa

Cam kết không làm việc cho công ty đối thủ có đúng luật?

Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết

Khoản 1 Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 đã có quy định cụ thể. Người sử dụng lao động không được làm những hành vi sau khi giao kết hợp đồng lao động:

  • Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
  • Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
  • Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.

Quyền của người lao động khi thực hiện hợp đồng lao động

Tại Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 đã có quy định cụ thể. Quyền của người lao động khi thực hiện hợp đồng lao động gồm:

  • Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc; nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
  • Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;
  • Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động; tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ; thương lượng tập thể với người sử dụng lao động; được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;
  • Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;
  • Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
  • Đình công;
  • Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Vậy, cam kết không làm việc cho công ty đối thủ có hợp pháp?

Trên thực tế nhiều người lao động phải cam kết sau khi nghỉ việc tại công ty trong khoảng một thời gian không được làm việc cho công ty khác cùng ngành nghề kinh doanh. Điều này đã tạo khó khăn cho người lao động sau khi nghỉ việc. Người lao động không được làm việc đúng ngành nghề, chuyên môn trong một thời gian.

Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng lao động, khoản 2 Điều 21 Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định:

“Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.”

Hình ảnh minh họa

=> Trong trường hợp người lao động làm việc trực tiếp liên quan đến bí mật kinh doanh; bí mật công nghệ thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận với người lao động về đảm bảo bí mật. Thỏa thuận này phải được lập thành văn bản.

Như vậy, cam kết không làm việc cho công ty đối thủ nhằm đảm bảo bí mật kinh doanh; bí mật công nghệ của người sử dụng lao động đúng quy định khi:

  • Người lao động làm việc trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ.
  • Thỏa thuận được lập thành văn bản.

Trên cơ sở quy định này, nhiều doanh nghiệp và người lao động đã tiến hành ký cam kết về việc không làm việc cho đối thủ trong một thời gian nhất định để đảm bảo người lao động không thể tiết lộ bí mật kinh doanh, công nghệ của doanh nghiệp cho đối thủ cạnh tranh.

Người lao động vi phạm cam kết không làm việc cho công ty đối thủ phải chịu trách nhiệm?

Theo khoản 3 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, khi phát hiện người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động bồi thường theo thỏa thuận của hai bên. Trình tự, thủ tục xử lý bồi thường được thực hiện như sau:

  • Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm trong thời hạn thực hiện hợp đồng lao động thì xử lý theo trình tự, thủ tục xử lý việc bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 2 Điều 130 của Bộ luật Lao động;
  • Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì xử lý theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.

Như vậy, thỏa thuận không làm việc cho đối thủ đúng quy định pháp luật khi được người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận lạp thành văn bản, người lao động là người trực tiếp làm việc liên quan đến bí mật kinh doanh bí mật công nghệ, thỏa thuận nhằm đảm bảo không tiết lộ bí mật kinh doanh bí mật công nghệ của người sử dụng lao động. Thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động có thể bị chấm dứt khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Tham khảo thêm bài viết tại đây: Một số quy định mới về kinh doanh bất động sản

Để được tư vấn cụ thể trong từng vụ việc khách hàng vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH QUỐC TẾ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Số 69/102 phố Hoàng Đạo Thành, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội
Hotline: 0916 600 886
Email: cskh.tblaw@gmail.com
Website: https://luatthaibinh.com/
Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *