Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

Giao dịch dân sự vô hiệu là trường hợp không khó gặp. Trên thực tế không phải tất cả các giao dịch dân sự cũng hợp pháp và có hiệu lực.

Khái niệm giao dịch dân sự bị đe dọa, lừa dối, cưỡng ép:

Điều 127 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định cụ thể như sau:

“ Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.”

Hình ảnh minh họa

Ví dụ:

Anh A được bố mẹ mua cho 1 chiếc xe máy đời mới với giá 200 triệu đồng. Sau 1 tháng, anh B ngỏ ý muốn mua lại với giá 100 triệu nhưng anh A không đồng ý. Anh B dọa nếu không bán cho anh ta với giá này, anh ta sẽ nói chuyện bố anh A ngoại tình với mọi người. Anh A sợ ảnh hưởng đến gia đình nên đã bán chiếc xe cho anh B với giá 100 triệu. Trong trường hợp này, giao dịch bán xe vô hiệu vì anh A không tự nguyện thực hiện hợp đồng. Anh A bán xe do anh B đe dọa đưa thông tin cá nhân làm ảnh hưởng xấu đến gia đình anh A ra ngoài.

Đối với những giao dịch được xác lập do lừa dối; đe dọa; cưỡng ép thì chỉ bị vô hiệu khi có yêu cầu của bên bị lừa dối; bị đe dọa; bị cưỡng ép và cơ quan toà án sẽ xem xét. Nếu đầy đủ các căn cứ do pháp luật quy định thì sẽ chấp nhận yêu cầu đó. Như vậy, những giao dịch được xác lập do các tác động này vẫn có hiệu lực nếu không có yêu cầu của bên bị lừa dối; bị đe dọa; bị cưỡng ép. Đối với trường hợp các giao dịch bị tuyên bố vô hiệu; bên lừa dối; đe doạ có trách nhiệm cần phải bồi thường những thiệt hại xảy ra đối với bên bị lừa dối, bị đe doạ.

Thời hiệu:

Theo quy định, khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối; bị đe dọa; cưỡng ép thì có quyền yêu cầu cơ quan Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Hay hiểu một cách đơn giản thì giao dịch bị lừa dối; đe dọa; cưỡng ép sẽ chỉ vô hiệu nếu có tuyên bố của Tòa án tuyên rằng giao dịch đó là vô hiệu.

Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự do bị lừa dối; bị đe dọa; cưỡng ép là vô hiệu là hai năm. Kể từ thời điểm người bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị lừa dối. Hoặc người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép. Trong trường hợp hết thời hạn hai năm mà không có yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch là vô hiệu thì giao dịch dân sự sẽ có hiệu lực.

Hình ảnh minh họa

Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép:

Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối; đe dọa; cưỡng ép về cơ bản cũng giống như hậu quả pháp lý do các giao dịch dân sự vô hiệu khác mang lại. Cụ thể:

– Giao dịch này không làm phát sinh; thay đổi; chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

– Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên sẽ khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Đối với trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

 – Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

– Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bị thiệt hại.

– Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nhằm mục đích tránh bị rủi ro pháp lý trong việc xác lập hợp đồng, khi tham gia các giao dịch dân sự, các chủ thể phải tìm hiểu thật kỹ thông tin của của các bên giao dịch. Nắm chắc chắn việc giao dịch này là hoàn toàn hợp pháp; không có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi tham gia giao dịch. Đối với những giao dịch quan trọng thì cần nhờ những chuyên gia, những người có kinh nghiệm pháp lý tư vấn, hỗ trợ trong việc xác lập hợp đồng là cách để giảm thiểu rủi ro pháp lý khi tham gia giao kết hợp đồng.

Đọc thêm bài viết ở đây: Trợ cấp thất nghiệp năm 2023

Để được tư vấn cụ thể trong từng vụ việc khách hàng vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH QUỐC TẾ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Số 69/102 phố Hoàng Đạo Thành, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội
Hotline: 0916 600 886
Email: cskh.tblaw@gmail.com
Website: https://luatthaibinh.com/
Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *